Ngành điện, điện tử, thiết bị bán dẫn là ngành nghề trọng điểm giúp cho ngành công nghiệp tại Nhật phát triển vượt trội sau thế chiến thứ hai. Công nghệ và kỹ thuật của Nhật trong lĩnh vực này được các nước trên thế giới đánh giá rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên chọn học chuyên ngành tại Nhật có thể phát triển sự nghiệp.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của Internet vạn vật, Big Data và trí tuệ nhân tạo góp phần tạo triển vọng mới cho ngành công nghiệp điện, điện tử không chỉ ở Nhật mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Thiết bị điện, điện tử không chỉ bao gồm thiết bị điện gia dụng như tủ lạnh, máy điều hòa hay thiết bị công nghệ như máy vi tính, điện thoại thông minh mà còn bao gồm các loại máy móc thiết bị điện sản xuất của doanh nghiệp.

Ngành điện có thể được chia ra thành nhiều nhóm tiêu biểu là nhóm điện gia dụng, nhóm điện công nghiệp, nhóm đồng hồ, nhóm thiết bị văn phòng, nhóm linh kiện bán dẫn …

 

Đặc trưng của ngành điện, điện tử, thiết bị bán dẫn

Đặc trưng thu hút của ngành điện, điện tử, thiết bị bán dẫn có thể kể đến 3 yếu tố chính:

1.Quy mô rộng lớn và có quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khác:

Có thể nói nôm na với các bạn học ngành điện là nơi nào có điện thì nơi đó các bạn có việc làm. Mà ở những thành phố lớn thì gần như 100% gia đình, xí nghiệp, công sở đều sử dụng điện. Tương tự với điện tử và thiết bị bán dẫn, thì trừ khi mọi người ngưng sử dụng đồ điện như tivi, tủ lạnh, máy giặt …, những thứ hoạt động với nhiều linh kiện điện tử và thiết bị bán dẫn, thì các bạn học chuyên ngành và có tay nghề sẽ có nhiều khả năng kiếm được công việc ổn định. Đặc biệt là ở Nhật, nơi mà có nền công nghiệp điện tử thuộc hàng phát triển nhất thế giới thì cơ hội việc làm của các bạn học tập nhóm ngành này là rất cao.

2.Đa dạng về nội dung công việc:

Học về điện không có nghĩa chỉ là ngồi lắp ghép mạch điện, sửa điện mà kiến thức về ngành này có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như sau:

+ Thiết kế sản phẩm hoặc dây chuyền sản xuất

+ Quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm

+ Nghiên cứu và phát triển sản phẩm

+ Quản lý cung ứng vật liệu

+ Triển khai kế hoạch sản xuất hoặc kinh doanh sản phẩm

+ Kinh doanh / Bán hàng cho doanh nghiệp hoặc cá nhân

+ Điều tra tiêu dùng và quảng cáo, làm marketing sản phẩm

3.Tiềm năng phát triển mạnh

Khoa học công nghệ không ngừng thay đổi, kéo theo đó là sự phát triển của các mảng kỹ thuật liên quan đến điện, điện tử. Việc học hỏi những kiến thức mới và trau dồi kỹ năng ở môi trường làm việc tốt sẽ giúp cho các bạn làm quen với kỹ thuật mới, bắt kịp với xu hướng chung của thế giới để có thể thăng tiến trong công việc.

Two engineers or architects examining the construction of a solar power plant, walking with digital tablet on a rooftop

Nội dung công việc trong nhóm ngành

+ Thiết kế sản phẩm hoặc dây chuyền sản xuất : Dựa theo nguyên lý và cơ chế của mạch điện, điện tử để có thể chế tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tối thiểu nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và độ hiệu quả, cũng như để tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao khả năng vận hành thiết bị

+ Nghiên cứu và phát triển sản phẩm : Với sự đa dạng về chủng loại sản phẩm như hiện nay thì nếu không liên tục duy trì nghiên cứu và phát triển sản phẩm thì đến một lúc nào đó sản phẩm sẽ bị đào thải. Những công việc liên quan đến nghiên cứu và phát triển sản phẩm bao gồm phát triển và thẩm định nguyên liệu, phát triển hàng hóa, thiết kế thiết bị bán dẫn, thẩm định linh kiện, phát triển máy móc, phát triển phần mềm …

+ Quản lý kỹ thuật sản xuất : Đây là công việc liên quan đến quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất. Nội dung công việc chủ yếu là giám sát, xử lý vấn đề liên quan đến sản xuất, lập kế hoạch sản xuất lâu dài, điều chỉnh nhân viên, cải thiện tiến độ cũng như điều chỉnh hệ thống theo yêu cầu của các bộ phận liên quan khác hoặc khách hàng

+ Quản lý chất lượng : quản lý hệ thống vận hành, đảm bảo độ ổn định cũng như cải thiện dây chuyền sản xuất đóng vai trò quan trọng để không gây tổn thất lớn nếu sản phẩm có vấn đề

+ Kinh doanh : Ngành điện điện tử không chỉ gói gọn khách hàng là cá nhân mà rất nhiều doanh nghiệp cũng trở thành khách hàng thường xuyên. Để có thể kinh doanh tốt thì ngoài việc nắm rõ về sản phẩm, dây chuyền sản xuất cũng như các thông tin khác về công ty mình, các chuyên viên kinh doanh còn cần phải am hiểu thị trường, biết lên kế hoạch kinh doanh cũng như đảm bảo lịch trình và phân phối việc theo dự tính

+ Quảng cáo và marketing : Đâu phải cứ học về điện điện tử là không cần biết đến quảng cáo và marketing. Biết áp dụng kiến thức chuyên ngành kết hợp với việc thu thập thông tin thị trường, khách hàng rồi khảo sát, phân tích sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như biết cách chào hàng như thế nào để thu hút thêm nhiều khách hàng.

+ Quản lý văn phòng : Mặc dù không liên quan trực tiếp với ngành nhưng những công việc như lập kế hoạch kinh doanh, nhân sự, quản lý hệ thống, quản lý tài chính, kế toán cần kiến thức chuyên ngành và đóng vai trò quan trọng trong bộ máy của công ty

 

Tính cách như thế nào thì phù hợp và không phù hợp với ngành

Hãy tham khảo xem bản thân có phù hợp với ngành điện điện tử không nhé.

* Người phù hợp với ngành:

– Kiên trì trong công việc

– Khả năng tập trung cao

– Tỉ mỉ trong công việc

– Có khả năng làm việc nhóm và hòa đồng

– Khả năng giao tiếp tốt và biết lắng nghe, tiếp thu

– Có quyết tâm phát triển bản thân và luôn tìm tòi những thứ mới lạ

– Chịu áp lực tốt và có khả năng làm quen nhanh với những điều mới

– Khả năng ngôn ngữ tốt

– Kiến thức tốt về mảng khoa học tự nhiên, đặc biệt là kỹ thuật

* Người không phù hợp với ngành

– Không kiên trì, dễ bỏ cuộc

– Không có khả năng tập trung, dễ xao nhãng

– Làm việc chểnh mảng, đại khái cho xong

– Không có tinh thần làm việc nhóm, mang cái tôi cao

– Không biết lắng nghe người khác và ít giao tiếp với người khác

– Thích ổn định, không thích sự thay đổi

– Chỉ làm việc chậm rãi, khó thích nghi với những điều mới

– Không đam mê về ngôn ngữ

– Không thích hoặc hoàn toàn không có kiến thức khoa học tự nhiên hay kỹ thuật

Thông tin này mang tính tham khảo nên kể cả nếu bạn có những tính cách được đánh giá không phù hợp thì chỉ cần đam mê với ngành và quyết tâm cải thiện bản thân thì vẫn có thể theo đuổi ngành điện điện tử.